TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐỒNG NAI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐỒNG NAI
hotline

Hotline

0911.294.141

Có một lớp học như thế

Ngày đăng: 08/12/2022 10:56 AM

    Sử dụng phương pháp song ngữ, dùng ngôn ngữ ký hiệu, diễn tả bài giảng bằng cử chỉ. Đúng. Đó chính là một lớp dành cho sinh khiếm thính nhưng có một điều đặc biệt ở đây.

    Đó là những học sinh khiếm thính đang học chương trình cấp 2, cấp 3, trung cấp thậm chí là đại học – điều rất hiếm gặp ở nước ta.

    Người gầy dựng nên Trung tâm thúc đẩy văn hóa điếc - cô Nguyễn Thị Hòa cho biết "Khi sử dụng phương pháp này lớp học trở nên sinh động hẳn, phương tiện giao tiếp giáo viên và học sinh là ngôn ngữ của các em nên các em sẽ tham gia được vào bài học, có thể trao đổi với giáo viên, với các bạn một cách tự do thỏa mái. Mức độ nhận thức, hiểu biết của các em từ đó nâng cao, có chất lượng hơn".

    Dùng ngôn ngữ ký hiệu, diễn tả bài giảng bằng cử chỉ trong lớp học Trung tâm thúc đẩy văn hóa điếc.

    Thuận tiện cho học sinh nhưng là một thách thức cho giáo viên. Những ngày đầu nhận lớp cô Lê Thị Phương không nghĩ là dạy được bởi cô không biết gì về ngôn ngữ ký hiệu. Chính tình yêu đã giúp cô thêm quyết tâm và cảm thấy hứng thú, "Những thiệt thòi của các em là động lực để mình tiếp tục đứng trên bục giảng, giúp các em kiến thức nhiều hơn để bước vào đời", cô Phương nói.

    Trung tâm thúc đẩy văn hóa điếc thuộc trường Đại học Đồng Nai đã hoạt động được 15 năm nay.

    Khởi nguồn từ dự án "Giáo dục trung học đại học cho người điếc tại Việt Nam" – chương trình được một tổ chức Nhật Bản tài trợ kinh phí dành cho bậc THCS,THPT, trung cấp, cao đẳng và đại học, trung tâm thúc đẩy văn hóa điếc thuộc trường Đại học Đồng Nai đã hoạt động được 15 năm nay.

    Một vở kịch câm do các học sinh ở Trung tâm thực hiện.

    Hơn 200 sinh viên đã tốt nghiệp, 17 bạn đã nhận được bằng cao đẳng sư phạm tiểu học từ trường ĐH Đồng Nai. Hiện một số học sinh của trường đang học liên thông lên đại học, một số khác đã là giáo viên đang giảng dạy cho các trẻ điếc trên mọi miền đất nước hoặc làm việc cho một số dự án về người khuyết tật.

    Những thành quả đánh tự hào của trung tâm là động lực để các giáo viên thêm yêu nghề, thêm tin tưởng đào tạo những lớp kế cận.