TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐỒNG NAI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐỒNG NAI
hotline

Hotline

0911.294.141

Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập

Ngày đăng: 22/12/2022 09:28 AM

    Trong năm 2015, việc ban hành các Thông tư liên tịch quy định định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông là một trong những kết quả công tác quan trọng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, góp phần hoàn thiện các chính sách cho đội ngũ nhà giáo, được xếp vào một trong 10 sự kiện giáo dục - đào tạo tiêu biểu của năm. Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục là đơn vị đầu mối tham mưu Bộ trưởng trong việc xây dựng hệ thống các văn bản quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông nêu trên. Trong thời gian vừa qua, đã có rất nhiều ý kiến của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục xung quanh các Thông tư liên tịch nêu trên. Theo đó, nhiều câu hỏi cần được giải đáp vì có một số nội dung được hiểu chưa rõ hoặc chưa đúng. Để giải đáp các vấn đề này, đại diện lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục - Bà Nguyễn Thúy Hồng, Phó Cục trưởng đã trả lời phỏng vấn của Báo Thanh Niên, báo Giáo dục và Thời đại về một số nội dung liên quan. Chúng tôi đăng toàn văn phần trả lời của Bà Nguyễn Thúy Hồng đăng trên Báo Giáo dục và Thời đại Chủ nhật, số 4, ra ngày 24/01/2016.

    Hỏi: Xin Bà cho biết mục đích, ý nghĩa của việc quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông?

    Trả lời: Việc xây dựng các Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, số 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông là thực hiện triển khai Luật Viên chức và Nghị định số 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Theo đó, các Thông tư liên tịch nêu trên đã quy định danh mục các chức danh nghề nghiệp và tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh nghề nghiệp, đồng thời hướng dẫn việc bổ nhiệm vào hạng và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non, phổ thông. Đây là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, tạo hành lang pháp lý cho việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, thực hiện chế độ chính sách và phát triển đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông, đáp ứng yêu cầu chuẩn hoá đội ngũ viên chức theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

    Hỏi: Bà có thể giới thiệu một cách tổng quát về sự phân hạng và tiêu chuẩn chức danh của giáo viên các cấp?

    Trả lời: Theo quy định tại Điều 3, Nghị định số 29/2012/NĐ-CP, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập được phân thành 4 hạng theo cấp độ từ thấp đến cao, gồm: viên chức hạng IV, viên chức hạng III, viên chức hạng II, viên chức hạng I. Trên cơ sở nghiên cứu chung toàn ngành về nhiệm vụ, tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ thực tế, khả năng thăng tiến nghề nghiệp và định hướng phát triển đội ngũ nhà giáo trong tương lai, Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất với Bộ Nội vụ xếp đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông vào 3 hạng với mã số và tên gọi cụ thể như sau:

    - Giáo viên Mầm non hạng II: mã số V.07.02.04
    - Giáo viên Mầm non hạng III: mã số V.07.02.05
    - Giáo viên Mầm non hạng IV: mã số V.07.02.06
    - Giáo viên Tiểu học hạng II: mã số V.07.03.07
    - Giáo viên Tiểu học hạng III: mã số V.07.03.08
    - Giáo viên Tiểu học hạng IV: mã số V.07.03.09
    - Giáo viên THCS hạng I: mã số V.07.04.10
    - Giáo viên THCS hạng II: mã số V.07.04.11
    - Giáo viên THCS hạng III: mã số V.07.04.12
    - Giáo viên THPT hạng I: mã số V.07.05.13
    - Giáo viên THPT hạng II: mã số V.07.05.14
    - Giáo viên THPT hạng III: mã số V.07.05.15

    Kết cấu chung của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức theo quy định gồm: tên và hạng của chức danh nghề nghiệp; nhiệm vụ; tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp; tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng; tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.

    Hỏi: Một số giáo viên cho rằng các yêu cầu về trình độ tin học, ngoại ngữ là hơi cao. Hơn nữa, hiện nay đa phần giáo viên vẫn đang sử dụng chứng chỉ tin học ngoại ngữ theo quy định cũ là A, B, C, còn trong các Thông tư thì yêu cầu trình độ tin học của giáo viên phải đạt chuẩn theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT của bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin; trình độ ngoại ngữ của giáo viên thì phải đạt yêu cầu các bậc theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam. Bà lý giải thế nào về điều này?

    Trả lời: Các Thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông nêu trên đã quy định rõ các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, trình độ đào tạo, bồi dưỡng và về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho từng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông. Trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, ngoài tiêu chuẩn về trình độ chuyên ngành đào tạo phù hợp với chuyên ngành giảng dạy còn có các tiêu chuẩn về trình độ ngoại ngữ, tin học theo các quy định mới nhất của Việt Nam. Cụ thể là chuẩn về trình độ ngoại ngữ theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, chuẩn trình độ tin học theo Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

    Ngoại ngữ và tin học là những công cụ thiết yếu để đáp ứng việc thực hiện nhiệm vụ ở các mức độ khác nhau (viên chức tất cả các ngành đều có những yêu cầu này, không chỉ có ngành giáo dục, đào tạo). Trong xu thế hội nhập quốc tế và bối cảnh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục như hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích giáo viên các cấp tăng cường tự học tập và trau dồi năng lực ngoại ngữ, tin học để đáp ứng yêu cầu công việc. Cơ quan quản lý giáo dục các cấp, đặc biệt là các cơ sở giáo dục cần có kế hoạch và tạo điều kiện, khuyến khích giáo viên tham gia bồi dưỡng, tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ.

    Những giáo viên có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ các bậc theo chuẩn hoặc trên chuẩn được miễn thi tin học, ngoại ngữ khi thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp tùy thuộc vào việc quy đổi tương đương theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng trong thời gian tới, nếu có.

              Hỏi: Nhiều giáo viên đang rất lo lắng về việc hiện nay họ chưa có đủ các điều kiện theo yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thì có được xếp vào các hạng hay không, việc xếp lương có bị ảnh hưởng không? Hơn nữa, sau này có phải tất cả các giáo viên sẽ phải đi học để có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh, rồi phải đáp ứng nhiều các tiêu chuẩn khác nữa để thi/xét thăng hạng?

              Trả lời: Sau khi các Thông tư liên tịch nêu trên có hiệu lực, tất cả giáo viên hiện đang ở các ngạch giáo viên mầm non, Tiểu học, THCS, THPT đều được chuyển xếp vào các hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng và được hưởng chế độ lương (hệ số lương và thời điểm tăng lương) như cũ mà không yêu cầu thêm bất cứ điều kiện nào khác. Việc bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp và xếp lương hiện nay chưa yêu cầu ngay tất cả những điều kiện này (những tiêu chuẩn còn thiếu sẽ bổ sung sau, khi có điều kiện và cũng không khống chế thời gian). Về bậc lương và việc nâng lương định kì không bị ảnh hưởng.

    Để được thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải là những viên chức có những năng lực cao hơn, đáp ứng yêu cầu công việc (chứ không chỉ đơn thuần là để thực hiện chính sách), do đó cần đảm bảo những yêu cầu được quy định. Với những viên chức không đáp ứng tiêu chuẩn ở hạng cao hơn thì không tham gia thăng hạng, nhưng vẫn đảm bảo được tăng lương theo định kỳ và được hưởng lương vượt khung theo qui định. Như vậy, quyền lợi của giáo viên không bị ảnh hưởng. Trong trường hợp giáo viên muốn có thăng tiến về hạng thì phải đáp ứng các yêu cầu để vừa có quyền lợi, nhưng vừa phải có trách nhiệm cao hơn (với các tiêu chuẩn phải đảm bảo) để có trách nhiệm và cống hiến tốt hơn cho ngành khi ở hạng đó.

    Theo quy định tại Luật Viên chức, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là một yêu cầu bắt buộc để có thể dự thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức của tất cả các ngành, trong đó có viên chức ngành giáo dục, đào tạo. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Bộ Nội vụ triển khai xây dựng chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông.

              Hỏi: Trước đây, khi tuyển dụng giáo viên mầm non, phổ thông, nhiều nơi căn cứ vào trình độ đào tạo mà xếp giáo viên ngay vào các ngạch cao hơn, vậy hiện nay, người tham gia dự tuyển vào chức danh giáo viên các cấp nếu có trình độ trên chuẩn thì có được xếp vào các hạng cao hơn hay chỉ xếp vào hạng thấp nhất ở cấp học?

              Trả lời: Việc tuyển dụng giáo viên mầm non, phổ thông được thực hiện theo quy định của Nghị định số 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và Thông tư số 15/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức.

              Hiện nay, chưa có văn bản nào quy định việc bổ nhiệm vào hạng cao hơn hoặc cao nhất đối với những người dự tuyển giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn. Tại Điều 22 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP về chế độ, chính sách đối với người tập sự có quy định: trong thời gian tập sư, người tập sự được hưởng 85% mức lương bậc 2 nếu có bằng thạc sĩ, 85% mức lương bậc 3 nếu có bằng Tiến sĩ nhưng là mức lương của chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm được tuyển dụng.

    Theo quy định tại Luật Viên chức, việc tuyển dụng và sử dụng viên chức thực hiện hiện theo vị trí việc làm và nguyên tắc làm việc ở vị trí việc làm nào thì bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm đó. Đồng thời, người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó. Do đó, các cơ sở giáo dục phải căn cứ vào điều kiện, nhu cầu của mình và điều kiện đáp ứng của những người tham gia tuyển dụng để đề xuất tuyển dụng và bổ nhiệm giáo viên mầm non, phổ thông các hạng phù hợp.